QUY TẮC TỐ TỤNG TRỌNG TÀI
LỜI NÓI ĐẦU
TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI NAM VIỆT (NVCAC) được thành lập theo Quyết định số 07/BTP/GP do Bộ Tư Pháp cấp ngày 06/11/2014 và Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm Trọng tài số 08/TP/ĐKHĐ-TT của Sở Tư Pháp Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 12/12/2014.
Tên giao dịch bằng tiếng Anh: NAM VIET COMMERCIAL ARBITRATION CENTER
Tên viết tắt: NVCAC
NVCAC có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại và các tranh chấp khác theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại của Việt Nam kể cả các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Phán quyết của NVCAC là chung thẩm, có hiệu lực thi hành tại trên 150 quốc gia tham gia Công ước New York.
Quy tắc tố tụng trọng tài này được xây dựng phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, tập quán trọng tài thương mại quốc tế và điều kiện hoạt động thực tiễn của NVCAC, nhằm đảm bảo nguyên tắc hàng đầu của NVCAC trong giải quyết tranh chấp là trọng tài viên luôn tôn trọng thỏa thuận của các bên, độc lập, khách quan, vô tư, tuân theo quy định pháp luật và phát huy được ưu thế của tố tụng trọng tài tại NVCAC là thủ tục giải quyết linh hoạt, nhanh chóng, kín đáo, giữ được uy tín và bí mật kinh doanh cho các bên.
ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI MẪU
CỦA TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI NAM VIỆT
QUY TẮC TỐ TỤNG TRỌNG TÀI
CỦA TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI NAM VIỆT
NVCAC
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy tắc này được áp dụng khi:
- Các bên tranh chấp có thoả thuận chọn trọng tài bằng văn bản để giải quyết vụ tranh chấp và một bên khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Nam Việt (sau đây gọi tắt là “NVCAC”); và
- Các bên tranh chấp không có thoả thuận chọn quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài khác.
Điều 2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của NVCAC
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.
Điều 3. Tranh chấp có yếu tố nước ngoài
- Tranh chấp có yếu tố nước ngoài là tranh chấp phát sinh trong quan hệ thương mại, quan hệ pháp luật khác có yếu tố nước ngoài được quy định tại Bộ luật dân sự.
- Các tranh chấp nêu tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 của Quy tắc này có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của NVCAC.
Điều 4. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
- Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.
- Trường hợp điều khoản trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.
- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Điều 5. Thỏa thuận trọng tài
- Thỏa thuận Trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài.
- Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
- Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
- a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
- b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
- c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
- d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
Điều 6. Số lượng Trọng tài viên giải quyết tranh chấp
- Tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm một Trọng tài viên hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên.
- Nếu các bên không có thoả thuận về số lượng trọng tài viên giải quyết tranh chấp thì vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên.
Điều 7. Luật áp dụng giải quyết tranh chấp
- Đối với vụ tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.
- Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhất.
- Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Điều 8. Địa điểm giải quyết tranh chấp
- Các bên có quyền thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam; trường hợp không có thỏa thuận thì Hội đồng Trọng tài quyết định. Nếu địa điểm giải quyết tranh chấp được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết được coi là tuyên tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng Trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết đó.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp tại nơi được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hóa, tài sản hoặc tài liệu khác.
Điều 9. Ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài
- Đối với vụ tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng Trọng tài quyết định.
- Các bên phải tự thuê phiên dịch cho mình. Trong trường hợp các bên không thể tự thuê được phiên dịch, các bên có thể đề nghị NVCAC thuê phiên dịch và phải trả thù lao phiên dịch. Đề nghị NVCAC thuê phiên dịch phải được đưa ra trong một thời gian hợp lý. Trường hợp đề nghị thuê phiên dịch cho phiên họp giải quyết vụ tranh chấp thì NVCAC phải nhận được đề nghị thuê phiên dịch và thù lao phiên dịch ít nhất 03 (ba) ngày làm việc trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp.
Điều 10. Các bên tranh chấp tham gia tố tụng trọng tài
- Các bên tranh chấp là cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia tố tụng trọng tài với tư cách là nguyên đơn, bị đơn.
- Các bên tranh chấp có thể tham gia trực tiếp hoặc ủy quyền cho đại diện tham gia tố tụng trọng tài. Trong trường hợp các bên ủy quyền cho đại diện tham gia tố tụng trọng tài thì việc ủy quyền phải được lập bằng văn bản, nêu rõ nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền và gửi cho NVCAC.
Điều 11. Thời hiệu khởi kiện
Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Điều 12. Bắt đầu tố tụng trọng tài
Tố tụng trọng tài bắt đầu khi NVCAC nhận được Đơn khởi kiện của Nguyên đơn và tạm ứng phí trọng tài theo Điều 37 của Quy tắc này.
Điều 13. Việc gửi thông báo và tài liệu
- Các bản giải trình, văn thư giao dịch và các tài liệu khác do mỗi bên gửi phải được gửi tới NVCAC với số bản đủ để NVCAC gửi cho các thành viên trong Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, mỗi Trọng tài viên một bản, cho bên kia một bản và một bản lưu tại NVCAC.
- Các thông báo, tài liệu gửi cho các bên sẽ được NVCAC gửi đến địa chỉ của các bên hoặc gửi cho đại diện của các bên theo đúng địa chỉ do các bên thông báo.
Các thông báo do NVCAC gửi bằng phương thức giao trực tiếp, thư bảo đảm, thư điện tử, fax hoặc bất kỳ phương thức nào khác có ghi nhận việc gửi này.
- Các thông báo, tài liệu do NVCAC gửi được coi là đã nhận được vào ngày mà các bên hoặc đại diện của các bên đã nhận, hoặc được coi là đã nhận nếu thông báo, tài liệu đó đã được gửi phù hợp với khoản 2 Điều này.
- Thời hạn nhận thông báo, tài liệu quy định trong Quy tắc này bắt đầu được tính từ ngày tiếp theo ngày mà thông báo, tài liệu được coi là đã nhận được theo quy định tại khoản 3 Điều này. Nếu ngày tiếp theo đó là ngày lễ chính thức hoặc ngày nghỉ theo quy định của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi mà thông báo, tài liệu đã được nhận thì thời hạn này bắt đầu được tính từ ngày làm việc đầu tiên tiếp theo. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn này là ngày lễ chính thức hoặc ngày nghỉ theo quy định của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi mà thông báo, tài liệu được nhận thì ngày hết hạn sẽ là cuối ngày làm việc đầu tiên tiếp theo.
Điều 14. Mất quyền phản đối
Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của pháp luật về trọng tài, Quy tắc này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do pháp luật liên quan hoặc Quy tắc này quy định thì mất quyền phản đối.
CHƯƠNG II
ĐƠN KHỞI KIỆN – BẢN TỰ BẢO VỆ – ĐƠN KIỆN LẠI –
THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI
Điều 15. Đơn khởi kiện
- Đơn khởi kiện gồm các nội dung sau đây:
- a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- b) Tên, địa chỉ của các bên;
- c) Tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
- d) Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
đ) Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;
- e) Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;
- g) Tên của người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên từ Danh sách Trọng tài viên của NVCAC hoặc đề nghị Chủ tịch NVCAC chỉ định Trọng tài viên.
- Kèm theo Đơn khởi kiện phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.
- Đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo phải lập đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quy tắc này.
Điều 16. Thông báo Đơn khởi kiện
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày NVCAC nhận được Đơn khởi kiện của Nguyên đơn, các tài liệu kèm theo quy định tại Điều 15 và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, NVCAC gửi cho Bị đơn bản sao Đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo của Nguyên đơn, tên Trọng tài viên mà Nguyên đơn chọn hoặc Chủ tịch NVCAC chỉ định, Danh sách Trọng tài viên của NVCAC, Quy tắc tố tụng và Biểu phí trọng tài của NVCAC. NVCAC cũng gửi cho Trọng tài viên của Nguyên đơn bản sao Đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo của Nguyên đơn.
Điều 17. Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên
- Nếu các bên không có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Đơn Khởi kiện của Nguyên đơn và các tài liệu kèm theo do NVCAC gửi đến, Bị đơn phải thông báo cho NVCAC biết tên của người được Bị đơn chọn làm Trọng tài viên từ Danh sách Trọng tài viên của NVCAC hoặc đề nghị Chủ tịch NVCAC chỉ định một Trọng tài viên. Nếu Bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc không đề nghị Chủ tịch NVCAC chỉ định Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Khoản này, Chủ tịch NVCAC chỉ định một Trọng tài viên cho Bị đơn.
- Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều Bị đơn, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Đơn Khởi kiện của Nguyên đơn và các tài liệu kèm theo do NVCAC gửi đến, các Bị đơn phải thống nhất chọn một Trọng tài viên hoặc thống nhất yêu cầu Chủ tịch NVCAC chỉ định một Trọng tài viên. Nếu các Bị đơn không thống nhất chọn một Trọng tài viên hoặc không thống nhất yêu cầu Chủ tịch NVCAC chỉ định một Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Khoản này, Chủ tịch NVCAC chỉ định một Trọng tài viên cho các Bị đơn.
- Chủ tịch Hội đồng trọng tài
- a) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Trọng tài viên của Bị đơn nhận được thông báo được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên, Trọng tài viên của Bị đơn phải liên lạc với Trọng tài viên của Nguyên đơn để bầu trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài và hai Trọng tài viên này phải thông báo cho NVCAC biết.
- b) Hết thời hạn 15 ngày quy định tại mục a khoản 3 Điều này mà NVCAC không nhận được thông báo bầu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài hoặc thông báo về việc bầu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài không thực hiện được thì trong thời hạn 07 ngày làm việc tiếp theo Chủ tịch NVCAC chỉ định Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
- c) NVCAC gửi Đơn Khởi kiện và các tài liệu kèm theo, Bản tự bảo vệ (nếu có) ngay cho Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
- NVCAC thông báo ngay cho các bên về việc thành lập Hội đồng Trọng tài.
Điều 18. Thành lập Hội đồng Trọng tài không gồm ba Trọng tài viên
- Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất
Trường hợp các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không thống nhất chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 15 Quy tắc này, thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn này, Chủ tịch NVCAC trọng tài sẽ chỉ định Trọng tài viên duy nhất. NVCAC thông báo ngay cho các bên và Trọng tài viên duy nhất.
- Thành lập Hội đồng Trọng tài trong các trường hợp khác
Trường hợp các bên thỏa thuận về số lượng trọng tài viên khác với quy định tại Điều 17 và khoản 1 Điều này, các bên phải thỏa thuận về phương thức thành lập Hội đồng trọng tài. Nếu không có thỏa thuận này, NVCAC sẽ xác định phương thức thành lập Hội đồng trọng tài.
Điều 19. Bản tự bảo vệ và việc gửi Bản tự bảo vệ
- Nếu các bên không có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo của Nguyên đơn do NVCAC gửi, Bị đơn phải gửi cho NVCAC Bản tự bảo vệ gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- a) Ngày, tháng, năm làm Bản tự bảo vệ;
- b) Tên và địa chỉ của Bị đơn;
- c) Cơ sở và chứng cứ tự bảo vệ, nếu có;
- d) Tên của người được Bị đơn chọn làm Trọng tài viên từ Danh sách Trọng tài viên của NVCAC hoặc đề nghị Chủ tịch NVCAC Trọng tài chỉ định Trọng tài viên.
Trong trường hợp Bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn phải nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ.
- Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, thời hạn gửi Bản tự bảo vệ tại khoản 1 Điều này có thể được NVCAC gia hạn căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc nhưng không được quá 60 ngày kể từ ngày Bị đơn nhận được Đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo của Nguyên đơn do NVCAC gửi. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng văn bản và gửi cho NVCAC trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bị đơn nhận được Đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo của Nguyên đơn do NVCAC gửi.
- Trường hợp Bị đơn không nộp bản tự bảo vệ trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, việc giải quyết tranh chấp vẫn được tiến hành.
- Bản tự bảo vệ và các tài liệu kèm theo phải lập đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quy tắc này.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày NVCAC nhận được Bản tự bảo vệ và các tài liệu kèm theo của Bị đơn theo quy định tại khoản 1, khoản 2, và khoản 3 Điều này, NVCAC gửi Bản tự bảo vệ và các tài liệu kèm theo của Bị đơn cho Nguyên đơn và các thành viên Hội đồng trọng tài.
Điều 20. Đơn kiện lại của Bị đơn
- Bị đơn có quyền kiện lại Nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Đơn kiện lại và các tài liệu kèm theo phải được gửi cho NVCAC vào cùng thời điểm gửi Bản tự bảo vệ.
- Đơn kiện lại gồm có các nội dung chủ yếu sau đây:
- a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
- b) Tên và địa chỉ của Nguyên đơn và Bị đơn;
- c) Tên và địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
- d) Tóm tắt nội dung vụ kiện lại;
đ) Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;
- e) Giá trị của vụ kiện lại và các yêu cầu cụ thể khác của Bị đơn.
- Kèm theo Đơn kiện lại, Bị đơn phải gửi bản chính hoặc bản sao các tài liệu và chứng có liên quan.
- Đơn kiện lại và các tài liệu kèm theo phải lập đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quy tắc này.
- Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày NVCAC nhận được Đơn kiện lại, các tài liệu kèm theo được quy định tại Điều này và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, NVCAC gửi cho Nguyên đơn và các thành viên Hội đồng Trọng tài Đơn kiện lại và các tài liệu kèm theo của Bị đơn.
- Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Đơn kiện lại và các tài liệu kèm theo do NVCAC gửi, Nguyên đơn phải gửi cho NVCAC Bản tự bảo vệ của Nguyên đơn. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, thời hạn gửi Bản tự bảo vệ của Nguyên đơn có thể được NVCAC gia hạn căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc nhưng không được quá 60 ngày kể từ ngày Nguyên đơn nhận được Đơn kiện lại và các tài liệu kèm theo của Bị đơn do NVCAC gửi. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng văn bản và gửi cho NVCAC trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Nguyên đơn nhận được Đơn kiện lại và các tài liệu kèm theo của Bị đơn do NVCAC gửi.
- Thủ tục giải quyết Đơn kiện lại được tiến hành như thủ tục giải quyết Đơn khởi kiện của Nguyên đơn và do chính Hội đồng Trọng tài giải quyết Đơn khởi kiện của Nguyên đơn giải quyết đồng thời với Đơn khởi kiện của Nguyên đơn.
Điều 21. Rút Đơn khởi kiện, đơn kiện lại; sửa đổi đơn khởi kiện, đơn kiện lại hoặc bản tự bảo vệ
- Trước khi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết trọng tài, các bên có quyền rút Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại.
- Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có thể sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại hoặc Bản tự bảo vệ. Hội đồng Trọng tài có quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung này nếu thấy rằng việc đó có thể bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra phán quyết trọng tài hoặc vượt quá phạm vi của thỏa thuận trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp.
Điều 22. Thay đổi Trọng tài viên
- Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau đây:
- a) Trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên;
- b) Trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp;
- c) Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan;
- d) Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng
văn bản. - Kể từ khi được chọn hoặc được chỉ định, Trọng tài viên phải thông báo bằng văn bản cho NVCAC hoặc Hội đồng trọng tài và các bên về những tình tiết có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư của mình.
- Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại NVCAC, nếu Hội đồng trọng tài chưa được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do Chủ tịch NVCAC quyết định. Nếu Hội đồng trọng tài đã được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định. Trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, Chủ tịch NVCAC quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên.
- Đối với vụ tranh chấp do Hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết, việc thay đổi Trọng tài viên sẽ do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định. Trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của một hoặc các Trọng tài viên nói trên, của một hoặc các bên tranh chấp, Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên.
- Quyết định của Chủ tịch NVCAC hoặc của Toà án trong trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này là quyết định cuối cùng.
- Trong trường hợp Trọng tài viên vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể tiếp tục tham gia giải quyết tranh chấp hoặc bị thay đổi thì việc chọn, chỉ định Trọng tài viên thay thế được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Quy tắc này.
- Sau khi tham khảo ý kiến của các bên, Hội đồng trọng tài mới được thành lập có thể xem xét lại những vấn đề đã được đưa ra tại các phiên họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài trước đó.
CHƯƠNG III
CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI GIẢI QUYẾT VỤ TRANH CHẤP
Điều 23. Thẩm quyền xác minh sự việc của Hội đồng Trọng tài
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu thấy cần thiết, Hội đồng Trọng tài có quyền gặp hoặc trao đổi với các bên với sự có mặt của bên kia hoặc thông báo cho bên kia biết bằng các hình thức thích hợp để làm sáng tỏ các vần đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Hội đồng Trọng tài có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên tìm hiểu sự việc từ người thứ ba, với sự có mặt của các bên hoặc sau khi đã thông báo cho các bên biết.
Điều 24. Thẩm quyền thu thập chứng cứ của Hội đồng Trọng tài
- Các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Hội đồng Trọng tài để chứng minh các sự việc có liên quan đến nội dung đang tranh chấp.
- Theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp.
- Hội đồng Trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp. Phí giám định, định giá do bên yêu cầu giám định, định giá tạm ứng hoặc do Hội đồng Trọng tài phân bổ.
- Hội đồng Trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Chi phí chuyên gia do bên yêu cầu tham vấn tạm ứng hoặc do Hội đồng Trọng tài phân bổ.
- Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền hỗ trợ theo quy định của pháp luật liên quan.
Điều 25. Thẩm quyền triệu tập người làm chứng của Hội đồng Trọng tài
- Theo yêu cầu của một hoặc các bên và xét thấy cần thiết, Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu.
- Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng Trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, thì Hội đồng Trọng tài xác định thời gian mở phiên họp lại, thông báo cho các bên và gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp của Hội đồng trọng tài theo thời gian được xác định lại đó.
Điều 26. Biện pháp khẩn cấp tạm thời
- Trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp, nếu thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, các bên có quyền nộp đơn yêu cầu Hội đồng Trọng tài, Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật liên quan. Nếu một bên đã yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều này mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng trọng tài phải từ chối.
- Theo yêu cầu của một bên, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây đối với các bên tranh chấp:
- a) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
- b) Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
- c) Kê biên tài sản đang tranh chấp;
- d) Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
đ) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
- e) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
- Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nêu rõ biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể, trình bày lý do đồng thời cung cấp chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
- Theo quyết định của Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính tương ứng với giá trị thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra. Việc bảo đảm tài chính có thể được thực hiện bằng cách gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng trọng tài quyết định.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, ngay sau khi bên yêu cầu đã thực hiện biện pháp bảo đảm quy định tại khoản 4 Điều này thì Hội đồng trọng tài xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, Hội đồng trọng tài thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho bên yêu cầu biết.
- Việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình. Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và gây thiệt hại cho bên kia hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
- Theo đơn yêu cầu của một bên, Hội đồng trọng tài có quyền xem xét ra quyết định thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình giải quyết tranh chấp. Hội đồng trọng tài hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- a) Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ;
- b) Bên phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;
- c) Nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của pháp luật.
Điều 27. Thương lượng, hoà giải
- Sau khi tố tụng trọng tài bắt đầu, nếu các bên tự thương lượng và thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Hội đồng Trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp theo quy định tại điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 29 của Quy tắc này.
- Các bên có thể tự hòa giải hoặc yêu cầu Hội đồng Trọng tài tiến hành hòa giải. Trong trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài lập Biên bản hòa giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng Trọng tài ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị thi hành như phán quyết trọng tài.
Điều 28. Xem xét thoả thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện, thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài
- Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng Trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng Trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về trọng tài và Quy tắc này. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng Trọng tài ra Quyết định đình chỉ việc giải quyết tranh chấp và thông báo ngay cho các bên biết.
- Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện Hội đồng Trọng tài vượt quá thẩm quyền, các bên có thể khiếu nại với Hội đồng Trọng tài. Hội đồng Trọng tài có trách nhiệm xem xét, quyết định.
- Trong trường hợp không đồng ý với Quyết định của Hội đồng Trọng tài nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định của Hội đồng Trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại Quyết định của Hội đồng Trọng tài. Bên khiếu nại phải đồng thời thông báo việc khiếu nại này cho Hội đồng Trọng tài. Trong khi Tòa án giải quyết đơn khiếu nại, Hội đồng Trọng tài vẫn có thể tiếp tục giải quyết tranh chấp.
- Trong trường hợp Toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thì Hội đồng Trọng tài ra Quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp sau khi đã nhận được Quyết định của Tòa án.
Điều 29. Đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp
- Vụ tranh chấp được đình chỉ giải quyết trong các trường hợp sau đây:
- a) Nguyên đơn hoặc Bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
- b) Nguyên đơn hoặc Bị đơn là cơ quan, tổ chức đã chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức mà không có cơ quan, tổ chức nào tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó;
- c) Nguyên đơn rút Đơn khởi kiện hoặc được coi là đã rút Đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 của Quy tắc này, trừ trường hợp Bị đơn yêu cầu tiếp tục giải quyết tranh chấp;
- d) Các bên thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết vụ tranh chấp.
đ) Tòa án đã quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được.
- Hội đồng Trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Trường hợp Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập thì Chủ tịch NVCAC ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.
- Khi có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp, các bên không có quyền khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết lại vụ tranh chấp đó nếu việc khởi kiện vụ tranh chấp sau không có gì khác so với vụ tranh chấp trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp quy định tại các điểm c và điểm đ khoản 1 Điều này.
CHƯƠNG IV
PHIÊN HỌP GIẢI QUYẾT VỤ TRANH CHẤP –
PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI
Điều 30. Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp
- Thời gian và địa điểm mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp do Hội đồng Trọng tài quyết định, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
- Giấy triệu tập phiên họp giải quyết vụ tranh chấp đầu tiên phải được gửi cho các bên chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở phiên họp, nếu các bên không có thoả thuận khác. Giấy triệu tập phiên họp giải quyết vụ tranh chấp tiếp theo, bao gồm cả giấy triệu tập cho phiên họp đầu tiên trong trường hợp phiên họp này đã bị hoãn không phải gửi cho các bên chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở phiên họp, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
- Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có quyền mời người làm chứng, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng phải thông báo cho Hội đồng Trọng tài trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng Trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp.
Điều 31. Hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp
- Trường hợp có lý do chính đáng, một hoặc các bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Yêu cầu hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp phải được lập bằng văn bản, nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ và được gửi đến Hội đồng Trọng tài chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Nếu gửi yêu cầu hoãn chậm, bên yêu cầu hoãn phải chịu mọi chi phí phát sinh, nếu có. Hội đồng Trọng tài xem xét, quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu hoãn và kịp thời thông báo cho các bên.
- Nếu xét thấy chưa đủ cơ sở để giải quyết vụ tranh chấp, Hội đồng Trọng tài phải hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp và kịp thời thông báo cho các bên.
- Thời hạn hoãn phiên họp do Hội đồng Trọng tài quyết định.
Điều 32. Việc vắng mặt của các bên
- Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng Trọng tài chấp thuận thì được coi là đã rút Đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, Hội đồng Trọng tài chỉ tiếp tục giải quyết tranh chấp nếu Bị đơn có yêu cầu hoặc có Đơn kiện lại.
- Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng Trọng tài chấp thuận thì Hội đồng Trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có.
- Trong trường hợp có Đơn kiện lại, nếu Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng Trọng tài chấp thuận thì được coi là đã rút Đơn kiện lại. Trong trường hợp này, Hội đồng Trọng tài chỉ tiếp tục giải quyết Đơn kiện lại nếu Nguyên đơn có yêu cầu.
- Trong trường hợp các bên có yêu cầu, Hội đồng Trọng tài có thể căn cứ vào hồ sơ để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên.
Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp khi có yêu cầu vắng mặt của một bên.
Điều 33. Nguyên tắc ra Phán quyết trọng tài
Hội đồng Trọng tài ra Phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trong trường hợp biểu quyết không đạt được đa số, thì Phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
Điều 34. Phán quyết Trọng tài
- Phán quyết trọng tài phải lập bằng văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:
- a) Ngày, tháng, năm và địa điểm ra phán quyết;
- b) Tên, địa chỉ của Nguyên đơn và Bị đơn;
- c) Tên của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất;
- d) Tóm tắt Đơn khởi kiện và các vấn đề tranh chấp; Đơn kiện lại và các vấn đề tranh chấp (nếu có);
đ) Căn cứ để ra phán quyết, trừ khi các bên thỏa thuận không cần nêu căn cứ trong phán quyết;
- e) Kết quả giải quyết tranh chấp;
- g) Thời hạn thi hành phán quyết;
- h) Phân bổ chi phí trọng tài và các chi phí khác có liên quan;
- i) Chữ ký của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất.
- Khi có Trọng tài viên không ký vào Phán quyết trọng tài, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài phải ghi việc này trong Phán quyết trọng tài và nêu rõ lý do. Trong trường hợp này Phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực.
- Phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng.
- Phán quyết trọng tài được gửi cho các bên ngay sau ngày ban hành. Các bên có quyền yêu cầu NVCAC cấp bản sao Phán quyết trọng tài và phải trả phí theo quy định của NVCAC.
- Phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực kể từ ngày ban hành và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Điều 35. Sữa chữa và giải thích phán quyết; phán quyết bổ sung
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết, trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, một bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài sửa chữa những lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai trong phán quyết nhưng phải thông báo ngay cho bên kia biết. Trường hợp Hội đồng Trọng tài thấy yêu cầu này là chính đáng thì phải sửa chữa trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, một bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài giải thích về điểm cụ thể hoặc phần nội dung của phán quyết nhưng phải thông báo ngay cho bên kia. Nếu Hội đồng Trọng tài thấy rằng yêu cầu này là chính đáng thì phải giải thích trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành phán quyết, Hội đồng Trọng tài có thể chủ động sửa những lỗi quy định tại khoản 1 Điều này và thông báo ngay cho các bên.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết, một bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài ra phán quyết bổ sung đối với những yêu cầu được trình bày trong quá trình tố tụng nhưng không được ghi trong phán quyết và phải thông báo ngay cho bên kia biết. Nếu Hội đồng Trọng tài cho rằng yêu cầu này là chính đáng thì ra phán quyết bổ sung trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Trường hợp cần thiết, Hội đồng Trọng tài có thể gia hạn việc sửa chữa, giải thích hoặc ra phán quyết bổ sung theo quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều này.
- Nội dung sửa chữa và giải thích phán quyết, phán quyết bổ sung là một phần của Phán quyết trọng tài.
CHƯƠNG V
PHÍ TRỌNG TÀI
Điều 36. Phí trọng tài
Phí trọng tài gồm:
- Thù lao cho các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp;
- Phí hành chính của NVCAC liên quan đến việc giải quyết vụ tranh chấp;
- Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài.
- Chi phí đi lại, ở và các chi phí có liên quan khác cho các Trọng tài viên trong Hội đồng Trọng tài và thư ký phiên họp.
- Chi phí thuê phòng họp và các chi phí liên quan đến việc tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp tại một địa điểm ngoài trụ sở của NVCAC theo sự lựa chọn của các bên.
Điều 37. Việc nộp tạm ứng phí trọng tài
- Khi nộp Đơn khởi kiện, Đơn kiện bổ sung, Nguyên đơn phải nộp tạm ứng toàn bộ các khoản phí trọng tài được nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều 36 của Quy tắc này. Các khoản phí này được tính theo giá trị của vụ tranh chấp quy định tại Biểu phí trọng tài và Biểu phí hành chính của NVCAC đang có hiệu lực vào ngày nộp đơn kiện. Trường hợp trong Đơn khởi kiện hoặc Đơn kiện bổ sung không nêu giá trị thì mức phí cụ thể do NVCAC quyết định.
- Khi nộp Đơn kiện lại, Đơn kiện lại bổ sung, Bị đơn phải nộp tạm ứng toàn bộ các khoản phí trọng tài được nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều 36 của Quy tắc này cho Đơn kiện lại hoặc Đơn kiện lại bổ sung.
- Các chi phí nêu tại khoản 4 và khoản 5 Điều 36 của Quy tắc này (nếu có) sẽ được nộp sau khi Hội đồng Trọng tài được thành lập. NVCAC sẽ tham khảo ý kiến của Hội đồng Trọng tài để lập dự tính các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp và thông báo cho các bên. Nguyên đơn phải nộp đủ các chi phí này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của NVCAC để Hội đồng Trọng tài có điều kiện tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp. Nguyên đơn có thể nộp đơn yêu cầu NVCAC gia hạn thêm tối đa 15 ngày để nộp các chi phí này.
- Trong trường hợp phiên họp giải quyết vụ tranh chấp phải hoãn mà phát sinh thêm chi phí thì sau mỗi lần hoãn NVCAC sẽ lập dự tính chi phí bổ sung và yêu cầu Nguyên đơn nộp tạm ứng bổ sung.
- Việc quyết toán các khoản chi phí thực tế sẽ được NVCAC tính toán để thông báo cho các bên và cho Hội đồng Trọng tài trước khi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết trọng tài. Trong trường hợp số tiền tạm ứng cao hơn chi phí thực tế thì NVCAC sẽ hoàn lại cho bên đã nộp số tiền còn dư. Trong trường hợp chi phí thực tế cao hơn số tiền tạm ứng thì bên đã nộp tạm ứng phải nộp bổ sung cho NVCAC số tiền còn thiếu.
Điều 38. Hoàn lại phí trọng tài
- Trong trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại được rút hoặc các bên thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp theo khoản 1 Điều 27 của Quy tắc Tố tụng Trọng tài của NVCAC (“Quy tắc Tố tụng”) trước khi Hội đồng Trọng tài được thành lập, NVCAC hoàn lại 50% khoản phí trọng tài nêu tại khoản 1 Điều 36 của Quy tắc Tố tụng mà các bên đã tạm ứng.
- Trong trường hợp Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại được rút hoặc các bên thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp theo khoản 1 Điều 27 của Quy tắc Tố tụng sau khi Hội đồng Trọng tài được thành lập, NVCAC hoàn lại 25% khoản phí trọng tài nêu tại khoản 1 Điều 36 của Quy tắc Tố tụng mà các bên đã tạm ứng.
- Trong trường hợp vụ tranh chấp được xác định là không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được và Hội đồng Trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Quy tắc Tố tụng, thì NVCAC hoàn lại 50% khoản phí trọng tài nêu tại khoản 1 Điều 36 của Quy tắc Tố tụng mà các bên đã tạm ứng.
- Trong các trường hợp khác, phí trọng tài sẽ không được hoàn lại.
- Trong mọi trường hợp, NVCAC không hoàn lại khoản phí hành chính đã nộp theo Khoản 2 Điều 36 của Quy tắc Tố tụng.
Điều 39. Quyết định về phí trọng tài và các chi phí có liên quan
- Hội đồng Trọng tài sẽ quyết định bên phải chịu toàn bộ phí trọng tài và các chi phí tố tụng khác hoặc phân bổ theo tỷ lệ mỗi bên phải chịu trong Phán quyết trọng tài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Trường hợp hòa giải thành theo khoản 2 Điều 27 của Quy tắc này, mỗi bên chịu 50% mức phí trọng tài mà các bên đã nộp tạm ứng theo khoản 1 Điều 36 của Quy tắc này, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
CHƯƠNG VI
CÁC QUY ĐỊNH KHÁC
Điều 39. Lưu trữ hồ sơ
NVCAC có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ vụ tranh chấp đã thụ lý trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra Phán quyết trọng tài hoặc quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.
Điều 40. Hiệu lực áp dụng
Quy tắc Tố tụng Trọng tài này gồm 6 Chương 40 Điều được Đại hội Toàn thể Trọng tài viên NVCAC có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014.
Việc sửa đổi, bổ sung Quy tắc Tố tụng Trọng tài này phải do Đại hội Toàn thể Trọng tài viên NVCAC quyết định.
TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI NAM VIỆT
CHỦ TỊCH
Đồng Anh Tuấn