Tin tức – Sự kiện

Tham vọng đầu tư vào ngành ngân hàng của ông Đinh La Thăng

Ông Đinh La Thăng khai do “đổ bể” việc lập ngân hàng riêng của ngành dầu khí, PVN quyết định đổ tiền vào Oceanbank.

Chiều 20/3, ông Đinh La Thăng khai trong đề án thực hiện thí điểm thành lập tập đoàn hoạt động đa ngành nghề, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) dự kiến thành lập ngân hàng với tên ban đầu là Hồng Việt, vốn khoảng 5.000 tỷ đồng. Bộ máy nhân sự chừng 100 người đã chuẩn bị, cơ sở vật chất đã đầu tư. Sau khi không được thành lập ngân hàng Hồng Việt, PVN đứng trước thách thức phải tìm được ngân hàng để đầu tư song phải chấp nhận mua bộ máy của Hồng Việt với giá thấp.

Các lãnh đạo PVN đã gặp bàn bạc với nhiều ngân hàng song không hiệu quả cho tới khi phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn nói có Oceanbank phù hợp. Ông Thăng khi đó thấy mừng và bảo mời ngay chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm đến gặp.

>> Ông Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm toàn bộ thay cấp dưới

Đinh La Thăng tại tòa chiều 20/3

Theo ông Thăng, có đầu tư của PVN, Oceanbank phát triển nhanh chóng. Giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương năm 2011 từng báo cáo Oceanbank xếp loại A – ngân hàng bán lẻ tốt nhất.

Ông Thăng khai tất cả các quyết định góp vốn của PVN vào Oceanbank đều căn cứ “văn bản chỉ đạo” của cấp trên. Việc đầu tư vào ngân hàng đã được Thủ tướng chấp thuận. “Chính phủ còn giao Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn PVN thực hiện”, ông nói và cho rằng trách nhiệm tuân thủ pháp luật của PVN là “điều đương nhiên”.

“Nếu việc đầu tư này có vấn đề gì thì các cơ quan nhà nước hoặc Chính phủ phải ‘thổi còi’ nhưng thực tế đã không có sự phản đối nào”, cựu chủ tịch HĐQT PVN khai.

Đối chất với ông Thăng, nhân chứng Hà Văn Thắm khẳng định PVN đưa ra yêu cầu quan trọng nhất là nếu đổ vốn thì Oceanbank phải tiếp nhận toàn bộ nhân viên trong bộ máy trù bị thành lập ngân hàng Hồng Việt. Điều kiện thứ hai là Oceanbank phải bán cổ phần giá thấp cho PVN.

Bị cáo Đinh La Thăng trong ngày thứ hai của phiên tòa, 20/3. Ảnh: TTXVN

Bị cáo Đinh La Thăng trong ngày thứ hai của phiên tòa, 20/3. Ảnh: TTXVN

Ông Thăng xin nhận trách nhiệm thay cấp dưới

Ông Thăng khai trong lần góp vốn thứ ba của PVN vào Oceanbank đúng thời điểm ông đi công tác dài hạn nên ủy quyền điều hành cho ông Nguyễn Xuân Thắng và Hoàng Xuân Hùng – hai thành viên Hội đồng thành viên PVN. Trong thời gian này, ông Thắng ban hành nghị quyết góp thêm 100 tỷ đồng vào Oceanbank. Ông Thăng nói không biết nghị quyết đó mãi cho tới thời gian dài về sau.

Trong chiều nay, ông Thăng trình bày “sẵn sàng nhận toàn bộ trách nhiệm thay” hai ông này cùng những người khác có liên quan. Ông Thăng nói các cơ quan nhà nước đều biết việc góp vốn đợt 1-2 vào Oceanbank là đúng quy định pháp luật, riêng đợt ba là trái luật vì thời điểm đó Luật các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực. Hơn nữa, ông lại không biết gì về đợt ba này.

Trước câu hỏi của luật sư: Vì sao vẫn chấp nhận để PVN chiếm 20% vốn của Oceanbank năm 2011, trong khi luật chỉ cho phép 15%, ông Thăng khai việc này thực hiện theo “chủ trương từ trước” chứ không phải là ký thêm đợt ba khiến nâng tỷ lệ lên 20%. Hơn nữa, PVN muốn thoái vốn phải có sự đồng ý của Thủ tướng.

Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng ký Thỏa thuận tham gia góp vốn với cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm nhưng không thông qua HĐQT. Ông Thăng bị cáo buộc dù được báo cáo năng lực yếu kém của Oceanbank song vẫn ký ban hành Nghị quyết góp vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng. Ông cũng không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính về đảm bảo các điều kiện về góp vốn.

Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”nhưng ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank.

Cáo trạng cho rằng việc này tạo điều kiện cho các thuộc cấp của ông là Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt ba) vào Oceanbank.

Hậu quả, toàn bộ 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.

Tháng Ba 20, 2018 / 2:50 chiều

Quy định mới về kỷ luật đảng viên ‘cụ thể hoá các biểu hiện suy thoái’

Quy định mới về kỷ luật đảng viên ‘cụ thể hoá các biểu hiện suy thoái’

Lần đầu tiên Bộ Chính trị quy định thời hiệu xử lý kỷ luật và không dùng “cho thôi chức” để thay khái niệm “cách chức”.

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. VnExpress có cuộc trao đổi với ông Hà Quốc Trị – Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về quy định này.

quy-dinh-moi-ve-ky-luat-dang-vien-cu-the-hoa-cac-bieu-hien-suy-thoai

Ông Hà Quốc Trị – Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Lan Hạ

Lần đầu tiên quy định thời hiệu xử lý kỷ luật của Đảng

– Thưa ông, vì sao Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được ban hành vào thời điểm này?

– Năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành quy định 181 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Sau 4 năm, quy định mới (số 102) ra đời vì quy định 181 bên cạnh những mặt đạt được thì đã bộc lộ bất cập. Cụ thể, quy định 181 chưa bao quát hết phạm vi và các khuyết điểm, vi phạm của đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã sơ kết việc thực hiện quy định 181, qua đó một số địa phương kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới; giải quyết những vướng mắc trong quá trình xử lý kỷ luật đảng viên.

– Những điểm mới của quy định 102 là gì?

– Về mặt bố cục, quy định 102 giữ nguyên 5 chương, nhưng tăng thêm một điều thành 37 điều. Mỗi điều có bổ sung, sửa đổi với trọng tâm là cụ thể hoá những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ đã được Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 xác định.

Quy định mới cũng bổ sung nội dung thời hiệu xử lý kỷ luật, khoảng thời gian mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có vi phạm không bị xử lý kỷ luật.

Các quy định trước đây đều không đặt ra vấn đề thời hiệu, tuy nhiên trong thực tế nhiều trường hợp sai phạm diễn ra đã lâu, nếu cứ để kỷ luật thì cũng không còn nhiều ý nghĩa răn đe, chưa kể khả năng khắc phục hậu quả thấp. Hơn nữa, pháp luật của Nhà nước cũng có quy định về thời hiệu kỷ luật nên phải sửa để đồng bộ.

Quy định mới nêu vi phạm đến mức khiển trách thì thời hiệu 5 năm; cảnh cáo, cách chức là 10 năm; còn khai trừ ra khỏi Đảng thì không có thời hạn, đặc biệt là các lỗi phạm về an ninh quốc gia, bảo vệ chính trị nội bộ. Như vậy so với yêu cầu xử lý kỷ luật công dân (24 tháng) thì kỷ luật của Đảng có thời hiệu lâu hơn, vì đảng viên có yêu cầu cao hơn.

Một điểm mới nữa là quy định không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đang được tổ chức Đảng xem xét thi hành kỷ luật…

Không dùng “cho thôi chức” để thay cho “cách chức”

 Theo quy định 102, đảng viên kê khai tài sản, thu nhập không trung thực sẽ bị cách chức. Quy định này xuất phát từ thực tế nào?

– Thực tế có những đảng viên kê khai không trung thực và vừa rồi phải xem xét kỷ luật. Ví dụ trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Công Thương, được cơ quan kiểm tra xác định nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Hay là bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai cũng vi phạm những điều đảng viên không được làm khi kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ.

Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm là khuôn khổ để đảng viên chấp hành, còn quy định 102 là thi hành, xử lý kỷ luật nếu đảng viên vượt khuôn khổ đó.

Ngoài ra, Bộ Chính trị vừa ban hành quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nếu phát hiện sai phạm của cán bộ thuộc diện này thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan sẽ vào cuộc. Bộ Chính trị cũng giao cấp uỷ địa phương xây dựng quy định tương tự để triển khai ở cấp dưới.

– Một số trường hợp kỷ luật cán bộ, đảng viên đã áp dụng hình thức “cho thôi chức”. Quy định 102 đưa ra nguyên tắc “cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức”. Các khái niệm này khác nhau ra sao?

– Việc “cho thôi chức” được nêu tại quy định số 260 ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Trong trường hợp cán bộ, đảng viên bị kỷ luật cho thôi chức thì sẽ được điều động, phân công làm công tác khác chứ không làm công việc cũ.

Tuy nhiên, quá trình xử lý vừa qua xuất hiện một số trường hợp thấy rõ ràng là cho thôi chức thì không phải kỷ luật. Vì vậy, cấp có thẩm quyền cho rằng đảng viên vi phạm đến mức nào thì phải xử lý đến mức đấy, không được “thôi chức” thay cho “cách chức”; hoặc “xoá tên Đảng viên” cũng không phải hình thức kỷ luật mà phải là khai trừ.

Vừa qua cũng có những trường hợp xử lý nội bộ với đảng viên vi phạm. Quy định mới đưa ra nguyên tắc “đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ”.

Ví dụ vi phạm ở Vinashin, rõ ràng là vi phạm pháp luật, không để xử lý nội bộ trong Đảng mà phải chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra. Căn cứ vào bản án của toà, người vi phạm sẽ bị khai trừ, kể cả với án treo.

Nói như vậy để thấy rằng quy định nào cũng xuất phát từ thực tiễn, chứ không thể chung chung. Thực tiễn đặt ra phải có quy định để ngăn chặn việc anh vi phạm pháp luật, đáng lẽ phải xử lý theo pháp luật thì lại xử lý nội bộ, xuê xoa cho nhau.

 Quy định mới càng khắt khe càng khó thực hiện, ông nghĩ thế nào về điều này?

–  Quy định này có tính giáo dục, phòng ngừa, nhắc nhở cán bộ đảng viên thực hiện đúng. Điều này không phải khắt khe và cũng không phải bây giờ mới ban hành mà đã sửa đổi đến lần thứ 3 rồi.

Đây là quy định hết sức cần thiết, làm căn cứ xử lý đảng viên vi phạm. Tôi nghĩ rằng nội dung này cũng phải thông tin rộng rãi để cán bộ đảng viên và người dân giám sát. Bây giờ cứ nói đảng viên nào đó vi phạm nhưng hành vi vi phạm thế nào thì không biết, nên phải có quy định để đối chiếu, so sánh. Nếu người dân không biết hành vi nào là sai thì không thể giám sát.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang soạn thảo văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó giải thích từ ngữ cụ thể để mọi người hiểu rõ.

Quy định mới đã sửa đổi, bổ sung các trường hợp vi phạm bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, trong đó có hai trường hợp sau:

– Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”.

– Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tháng Mười Hai 11, 2017 / 2:35 sáng

Ông Đinh La Thăng bị bắt

Ông Đinh La Thăng bị bắt

Thứ Bảy, 9/12/2017 08:30 GMT+7

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chiều 8/12 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV; hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Đinh La Thăng bị bắt

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh trên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định Khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với ông Đinh La Thăng theo đúng quy định của pháp luật.

Thay mặt Bộ Chính trị, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã ký Quyết định về việc đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, từ hôm nay, 8/12.

Quyết định được ký căn cứ vào Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII; Quy định của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; và theo đề nghị của Đảng ủy Công an Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV chiều cùng ngày họp phiên bất thường, thông qua hai nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.

Thông tin liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra đang điều tra mở rộng vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Cơ quan chức năng đồng thời thu hồi tài sản để sớm kết luận điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Đinh La Thăng, liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra, gồm:

Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank);

Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Tháng Mười Hai 9, 2017 / 7:54 sáng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bố trí cán bộ sai là rất nguy hiểm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bố trí cán bộ sai là rất nguy hiểm

Thứ Bảy, 9/12/2017 13:12 GMT+7

(PLO) – Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. Bác Hồ từng nói, mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là khác, rất nguy hiểm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bố trí cán bộ sai là rất nguy hiểm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp

Hôm qua (8/12), Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về kết quả kiểm tra của 5 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, gắn với thực hiện Quy chế bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ban hành kèm theo Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4/7/2007 của Bộ Chính trị khóa X.

Sẽ có Hội nghị Trung ương bàn về công tác cán bộ

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, công tác đánh giá cán bộ là rất khó, thông tin phải đầy đủ, nhiều kênh, nhiều chiều, thật sự trong sáng, công tâm, khách quan. Lấy phiếu tín nhiệm cũng là một cách đánh giá cán bộ, vừa qua Quốc hội, trong Đảng, các địa phương đã làm. Tuy nhiên, không cẩn thận lại là hình thức, hợp thức hóa để phiếu cao lên, mai kia cứ căn cứ phiếu đánh giá để đề bạt cán bộ. Chính vì thế, vừa qua Đảng ta đã ban hành một loạt văn bản cụ thể, đồng thời cử các đoàn đi kiểm tra về công tác cán bộ và sang năm Hội nghị Trung ương sẽ bàn chuyên đề về công tác cán bộ.

Tổng Bí thư cho rằng, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ là để có tầm nhìn xa, có cái khung để đào tạo, bố trí cán bộ, nên phải “động” và “mở”. Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn là trên cơ sở quy hoạch, nhưng đồng thời cũng phải mở rộng ra, chứ không phải chỉ nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên, đào tạo nguồn không phải là để tranh thủ, cốt có cái mác lớp nguồn vào Trung ương, vào cấp ủy…

Không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn

Tổng Bí thư khẳng định, đối với luân chuyển cán bộ, không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, để về giữ chức nọ chức kia. Phấn đấu để được đi luân chuyển, “chạy” luân chuyển, về nơi nào thuận, dễ, “ngon ăn”, nhưng về chỉ làm cấp phó chẳng thể hiện được gì, chưa đủ 3 năm lại ngấp nghế đòi về…Cho nên phải uốn nắn, sau này đã có quy định đi luân chuyển phải đủ 36 tháng mới được về.

Đối với công tác bố trí, sử dụng cán bộ, Tổng Bí thư lưu ý cần phải công tâm, khách quan. Tại sao người ta nói “Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ?”; thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ… đều liên quan đến đánh giá cán bộ cả. Gia đình, anh em, vợ con không nên bố trí ở một nơi. Nếu thật sự có tài, gia đình cách mạng, chúng ta khuyến khích, hoan nghênh, nhưng không vì thế mà đưa lên để tạo vây cánh.

Cho rằng quy trình thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, qua đó phát huy cái tốt, cái đúng. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lấy dẫn chứng từ dư luận: Tại sao vừa qua có dư luận cái gì cũng làm đúng quy trình nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai? “Cuối cùng là trách nhiệm của người đứng đầu, rất quan trọng, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến tập thể…”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại 15 đơn vị, Tổng Bí thư lưu ý, thời  gian tới cần phát huy những mặt tốt, khắc phục những hạn chế, yếu kém, qua đó rút kinh nghiệm sửa chữa, góp phần tổng kết công tác cán bộ, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương bàn chuyên đề về công tác cán bộ trong năm tới.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 Đoàn công tác tại 10 địa phương và 5 cơ quan Trung ương cho thấy, một số tổ chức Đảng đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất, còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao… Công tác luân chuyển cán bộ chưa đồng bộ, số lượng cán bộ được luân chuyển chưa nhiều, chủ yếu được luân chuyển từ tỉnh về huyện, từ huyện về tỉnh và giữa các ngành, việc luân chuyển từ huyện sang huyện, xã sang xã, từ khối nhà nước sang khối Đảng, đoàn thể còn hạn chế; chưa có giải pháp theo dõi, đánh giá cán bộ luân chuyển.

Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi còn tư tưởng cục bộ; tính tiền phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ chưa cao, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có lợi ích. Quy trình bổ nhiệm có trường hợp chưa chặt chẽ, chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không nằm trong quy hoạch được phê duyệt, bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quy định; có trường hợp bổ nhiệm quá nhanh, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nên sau khi bổ nhiệm đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý cán bộ, đảng viên…

Tháng Mười Hai 9, 2017 / 7:52 sáng

TP HCM chi 380 tỷ đồng động viên cán bộ nghỉ hưu trước tuổi

TP HCM chi 380 tỷ đồng động viên cán bộ nghỉ hưu trước tuổi

Để tinh giản biên chế, UBND TP HCM sẽ chi hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi tổng cộng hơn 380 tỷ đồng.

Sáng 7/12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX thống nhất thông qua tờ trình của UBND thành phố về chế độ hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị định số 108/2014 của Chính phủ.

Động thái này của thành phố nhằm động viên cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi; nghỉ việc trong quá trình thành phố thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức và bộ máy.

Chính sách này còn được cho là “thể hiện sự ghi nhận” của thành phố đối với sự cống hiến, đóng góp của họ.

Theo tính toán của UBND thành phố, tổng kinh phí hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi đối với 1.062 người (từ nay đến năm 2021) là hơn 380 tỷ đồng.

tp-hcm-chi-380-ty-dong-dong-vien-can-bo-nghi-huu-truoc-tuoi

Đại biểu HĐND TP HCM biểu quyết thông qua tờ trình. Ảnh: Trung Sơn.

Thành phố sẽ có chính sách trợ cấp cho 2 nhóm. Một là cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội thành phố và quận huyện đủ điều kiện thôi việc ngay.

Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì tùy thuộc nhóm tuổi mà ngân sách thành phố sẽ trợ cấp thêm, căn cứ vào số năm nghỉ hưu trước tuổi, số năm công tác có đóng BHXH.

Nhóm hai là cán bộ thuộc Ban Thường vụ Thành ủy quản lý tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi (nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc không thuộc diện tinh giản biên chế). Căn cứ vào độ tuổi và thời gian tham gia công tác có đóng BHXH, ngân sách thành phố sẽ trợ cấp thêm.

Các mức trợ cấp gồm: thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; thêm 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương hiện hưởng.

Đối với cán bộ, công chức đủ điều kiện thôi việc ngay, được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.

Nguồn chi cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp do ngân sách thành phố chi trả. Đối với những người thuộc các đơn vị tự chủ tài chính do đơn vị chi trả.

Nghị định 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế được áp dụng đối với:

– Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không thời hạn trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

– Chủ tịch công ty, thành viên HĐTV, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty TNHH MTV do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội làm chủ sở hữu (không bao gồm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động).

– Cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

– Người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội.

Tháng Mười Hai 7, 2017 / 9:30 sáng

TP HCM tăng nhiều loại phí, lệ phí

TP HCM tăng nhiều loại phí, lệ phí

Đánh giá mức thu phí đăng ký cư trú, cấp phép xây dựng… quá thấp không đủ bù chi, TP HCM nâng bằng với các tỉnh thành khác.

Sáng 7/12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX đã thông qua các tờ trình về tăng mức thu lệ phí.

Mức thu mới trong việc đăng ký cư trú trên địa bàn (cấp mới, cấp lại, cấp đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) là 15.000 đồng ở các quận; 8.000 đồng ở huyện.

Đăng ký thường trú, tạm trú cả hộ hoặc một người là 10.000 đồng ở quận, 5.000 đồng ở huyện.

Điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là 5.000 đồng (quận), 3.000 đồng (huyện).

Gia hạn tạm trú là 10.000 đồng (quận), 5.000 đồng (huyện).

Trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, hộ nghèo; bố, mẹ, vợ (chồng) của liệt sĩ, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh được miễn lệ phí đăng ký cư trú.

tp-hcm-tang-nhieu-loai-phi-le-phi

Người dân làm thủ tục cấp phép xây dựng tại UBND quận 1. Ảnh: Tuyết Nguyễn.

Lệ phí cấp giấy phép xây dựng mới tăng 1,5 lần so với trước và tương đương với Hà Nội, Khánh Hòa, Phú Yên, Bến Tre, Hưng Yên, Tây Ninh, Cà Mau, Quảng Ngãi.

Đối với nhà ở riêng lẻ mức thu là 75.000 đồng; công trình khác 150.000 đồng; gia hạn, cấp lại, điều chỉnh 15.000 đồng.

Hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng được miễn phí.

Người xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ qua dịch vụ công trực tuyến được giảm 50%.

Tăng giá vào cửa một số bảo tàng: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là 40.000 đồng một lượt; Bảo tàng thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử 30.000 đồng… Toàn bộ tiền phí thu được để lại cho các bảo tàng phục vụ tái đầu tư, phát triển.

Trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo được miễn phí tham quan bảo tàng; trẻ em từ 6 đến 16 tuổi, sinh viên, học sinh trường công, người cao tuổi… được giảm 50%.

Trước khi trình HĐND TP HCM thông qua, UBND thành phố đã tham khảo mức thu các tỉnh thành khác, tham khảo ý kiến MTTQ, các đoàn thể để đánh giá tác động đến người dân.

Trước đó, HĐND TP HCM cũng thông qua tờ trình về chế độ hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị định số 108/2014 của Chính phủ. Động thái này nhằm động viên cán bộ, công chức, viên chức nghỉ làm trong quá trình thành phố thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức và bộ máy.

Tổng kinh phí hỗ trợ cán bộ đối với 1.062 người (từ nay đến năm 2021) là hơn 380 tỷ đồng.

Tháng Mười Hai 7, 2017 / 9:27 sáng