Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bố trí cán bộ sai là rất nguy hiểm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bố trí cán bộ sai là rất nguy hiểm

Thứ Bảy, 9/12/2017 13:12 GMT+7

(PLO) – Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. Bác Hồ từng nói, mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là khác, rất nguy hiểm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bố trí cán bộ sai là rất nguy hiểm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp

Hôm qua (8/12), Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về kết quả kiểm tra của 5 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, gắn với thực hiện Quy chế bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ban hành kèm theo Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4/7/2007 của Bộ Chính trị khóa X.

Sẽ có Hội nghị Trung ương bàn về công tác cán bộ

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, công tác đánh giá cán bộ là rất khó, thông tin phải đầy đủ, nhiều kênh, nhiều chiều, thật sự trong sáng, công tâm, khách quan. Lấy phiếu tín nhiệm cũng là một cách đánh giá cán bộ, vừa qua Quốc hội, trong Đảng, các địa phương đã làm. Tuy nhiên, không cẩn thận lại là hình thức, hợp thức hóa để phiếu cao lên, mai kia cứ căn cứ phiếu đánh giá để đề bạt cán bộ. Chính vì thế, vừa qua Đảng ta đã ban hành một loạt văn bản cụ thể, đồng thời cử các đoàn đi kiểm tra về công tác cán bộ và sang năm Hội nghị Trung ương sẽ bàn chuyên đề về công tác cán bộ.

Tổng Bí thư cho rằng, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ là để có tầm nhìn xa, có cái khung để đào tạo, bố trí cán bộ, nên phải “động” và “mở”. Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn là trên cơ sở quy hoạch, nhưng đồng thời cũng phải mở rộng ra, chứ không phải chỉ nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên, đào tạo nguồn không phải là để tranh thủ, cốt có cái mác lớp nguồn vào Trung ương, vào cấp ủy…

Không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn

Tổng Bí thư khẳng định, đối với luân chuyển cán bộ, không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, để về giữ chức nọ chức kia. Phấn đấu để được đi luân chuyển, “chạy” luân chuyển, về nơi nào thuận, dễ, “ngon ăn”, nhưng về chỉ làm cấp phó chẳng thể hiện được gì, chưa đủ 3 năm lại ngấp nghế đòi về…Cho nên phải uốn nắn, sau này đã có quy định đi luân chuyển phải đủ 36 tháng mới được về.

Đối với công tác bố trí, sử dụng cán bộ, Tổng Bí thư lưu ý cần phải công tâm, khách quan. Tại sao người ta nói “Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ?”; thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ… đều liên quan đến đánh giá cán bộ cả. Gia đình, anh em, vợ con không nên bố trí ở một nơi. Nếu thật sự có tài, gia đình cách mạng, chúng ta khuyến khích, hoan nghênh, nhưng không vì thế mà đưa lên để tạo vây cánh.

Cho rằng quy trình thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, qua đó phát huy cái tốt, cái đúng. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lấy dẫn chứng từ dư luận: Tại sao vừa qua có dư luận cái gì cũng làm đúng quy trình nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai? “Cuối cùng là trách nhiệm của người đứng đầu, rất quan trọng, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến tập thể…”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại 15 đơn vị, Tổng Bí thư lưu ý, thời  gian tới cần phát huy những mặt tốt, khắc phục những hạn chế, yếu kém, qua đó rút kinh nghiệm sửa chữa, góp phần tổng kết công tác cán bộ, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương bàn chuyên đề về công tác cán bộ trong năm tới.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 Đoàn công tác tại 10 địa phương và 5 cơ quan Trung ương cho thấy, một số tổ chức Đảng đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất, còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao… Công tác luân chuyển cán bộ chưa đồng bộ, số lượng cán bộ được luân chuyển chưa nhiều, chủ yếu được luân chuyển từ tỉnh về huyện, từ huyện về tỉnh và giữa các ngành, việc luân chuyển từ huyện sang huyện, xã sang xã, từ khối nhà nước sang khối Đảng, đoàn thể còn hạn chế; chưa có giải pháp theo dõi, đánh giá cán bộ luân chuyển.

Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi còn tư tưởng cục bộ; tính tiền phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ chưa cao, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có lợi ích. Quy trình bổ nhiệm có trường hợp chưa chặt chẽ, chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không nằm trong quy hoạch được phê duyệt, bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quy định; có trường hợp bổ nhiệm quá nhanh, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nên sau khi bổ nhiệm đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý cán bộ, đảng viên…